Saturday, October 9, 2010

NHỚ MIỀN TÂY


Đâu chợt nhớ khách đa tình buổi trước
Dạo tiếng đàn trên sông nước Miền Tây .
Khói hoàng hôn, cánh nhạt thả mơ bay,
Sông đôi nhánh mở vòng tay âu yếm .

Trên vóc dáng của con sông kiều diễm,
Mẹ Biển Hồ trang điểm phấn phù sa
Cho hồng lên đôi tay trắng ngọc ngà,
Cho hoa cỏ thêm đậm đà hương sắc .

Nhớ bến xưa tiếng đàn ai réo rắt
Như gợi sầu, khúc DẠ CỔ HOÀI LANG (1) .
Nghe trống canh, em thao thức nhớ chàng,
Lòng dậy sóng khi THUYỀN RA BIỂN BẮC (2) .

Đầu bãi gió, bản BÌNH SA LẠC NHẠN (3),
Tiếng tơ lòng nghe đứt đoạn tâm can .
Cuối cồn trăng, ai thả khúc HÀNH VÂN (4),
Mây dưới nước vỡ tan cùng bọt biển .

Chiều quán khách, lời ca nào hiển hiện
Khóc chinh nhân mỏi bước chốn sông hồ .
Nát cõi lòng thương vợ nhớ con thơ,
Nghe trong gió, khúc SẦU VƯƠNG BIÊN ẢI (5) .

Đò Mỹ Thuận khách sang sông dừng lại,
Bởi từ tâm thương lấy cảnh cơ cầu .
Chết cuộc đời trong hố mắt đêm sâu,
NGƯỜI NHẠC SĨ (6) gợi niềm đau gió cát .

Lòng sông rộng, bãi phù sa bát ngát
Đợi cánh cò phiêu bạt lúc sa chân .
Bến nước trong sẽ rửa hết nhọc nhằn
Lẫn bụi cát trên thân người nghệ sĩ .

22-11-1981
K1. Tân Lâp . Vĩnh Phú

DẠ CỔ HOÀI LANG : “Đêm nghe tiếng trống điểm  canh mà nhớ đến chàng” Bản nhạc do ông Cao Văn Lầu quê ở Bạc Liêu sáng tác năm 1917 . Nội dung của bài ca lại trùng hợp với tình cảnh của những người cô phụ có chồng là tù binh sau ngày 30-04-1975.

THUYỀN RA BIỂN BẮC : Thuyền chở tù ra Bắc, gợi nhớ đến câu hát trong dân gian thuở trước:
Tàu súp lê một, tàu ra biển Bắc,
Tàu súp lê hai, em nương song sắt,
Tàu súp lê ba …nước mắt tuôn tran.

BÌNH SA LẠC NHẠN: “Chim nhạn rơi trên bãi cát” . Cảnh tượng buồn thảm của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30-04-1975.

HÀNH VÂN: “Mây trôi” . Tất cả tan biến nhanh chóng trong một ngày . Nhanh như bóng mây trôi dưới nước vỡ tan cùng với bọt biển.

SẦU VƯƠNG BIÊN ẢI: Bài ca vọng cổ nầy do ông Thái Thụy Phong sáng tác, được thu vào đĩa nhạc ASIA với giọng ca của Út Trà Ôn cùng với tiếng đàn vỹ cầm của nhạc sĩ Sáu Lầu (Cao Văn Lầu) và tiếng đàn lục huyền cầm của nhạc sĩ Ba Lích (quê ở Long Xuyên) . Thời đó là buổi đầu của Thập Niên 50 . Tuy nhiên nội dung bài ca lại nói lên được tình cảnh của lớp người bị lưu đày nơi biên ải xa xôi tận núi rừng Thượng Du Bắc Việt vào năm 1975 và những thập niên kế tiếp . Đó là những tù binh khổ sai, lao dịch dài hạn, sống trong cảnh đói khát và bệnh tật, mỗi khi chuyển trại phải mang xiềng xích nặng nề . Vì vậy số tử vong rất cao.

NGƯỜI NHẠC SĨ: Người phế binh Việt Nam Cộng Hòa mù đôi mắt, bị bỏ rơi sau cuộc chiến, ngồi đánh đàn bên lề đường ở bến đò Mỹ Thuận, sống nhờ lòng từ thiện của khách sang song.


No comments:

Post a Comment