Saturday, October 9, 2010

LỜI GIỚI THIỆU


Thưa quí độc giả,

Nếu sau biến cố đau thương 30-04-1975, dòng thơ nước Việt có những thi phẩm được viết bởi những người lính Việt Nam Cộng Hòa, với một tấm long cho tổ quốc, cho đồng bào; bằng những lời thơ rất chân tình; bằng một bút pháp rất đặt sắc và đúng niêm luật như nhà thơ đã viết thì Ý Nga tin chắc rằng những thế hệ đi sau chúng ta, không những chỉ được thưởng thức thi tài của những người đã từng đem xương máu ra bảo vệ cho miền Nam Việt Nam không thôi mà họ còn sẽ quí trọng những chiến sĩ, dù bị bắt buộc buông súng và phải chịu trăm ngàn cực hình trong tay kẻ thù nhưng vẫn biết dùng ngòi viết như một vũ khí để tiếp tục chiến đấu cho một Việt Nam tự do.

Từ ngục tù Cộng Sản Việt Nam, với 11 năm, từ Nam ra Bắc (chưa kể khoảng thời gian 2 năm bị quản chế), tác giả, cũng như bao nhiêu chiến hữu đã phải nếm đủ mùi vị của một thứ “trái chua” nhưng Thi Nhân đã biến nó thành những dòng thơ, như trong bài “Thác Ngàn Đổ Xuống”:

“Mười năm nắng vội mưa mau,
“Trái chua chín ngọt, niềm đau tuyệt vời”.

Địa ngục của bao Người Lính Chưa Chết chính là... “Thiên-Đường-Xã-Hội-Chủ-Nghĩa” Việt Nam, là những năm dài bị trả thù bởi một chính sách vô nhan qua bao nhiêu trại giam.  Chúng ta thử nghe nạn nhân cũng là chứng nhân đã ghi lại một số không nhỏ trong những dòng “Thương Cảm”:

“Non sông chín cõi ngục tù,
“Đọa đày mạt kiếp cho thù cho căm”.

Ý Nga được biết có cả thảy 9 trại tù mà người tù đã bị giam giữ trong 11 năm dài ấy, theo thứ tự thời gian như sau:
1.   Trại giam tại quận Hòa Đồng, tỉnh Gò Công .
2.   Trại giam tại thị xã Mỹ Tho
3.   Trại giam Thủ Đức
4.   Trại giam Trung Ương số 1, tỉnh Hoàng Liên Sơn .
5.   Phân trại K1, trại giam Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú .
6.   Phân trại K5, trại giam Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú .
7.   Trại Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh.
8.   Phòng Biệt giam số 10 thuộc Công An tỉnh Tiền Giang (Định Tường).
9.   Trại giam tỉnh Tiền Giang (Định Tường).

Quả thật, bản thân người Cảnh Sát Quốc Gia đã là một nhân chứng ghi lại nỗi khổ đau cùng cực của những người tù binh, trước đó là chiến sĩ đã chiến đấu vì lý tưởng quốc gia . Ghi lại, trong 10 năm trời ròng rã, với cơn đói lã người hàng đêm, trong hoàng cảnh khắc nghiệt của những trại giam, trong nỗi nhớ nhung gia đình, trong niềm băng khoăng dành cho bao nhiêu thân nhân, bạn bè … sống bên ngoài, đang cố tìm mọi cách để thoát khỏi Nhà NgụcLớn Việt Nam và trong niềm đau u uất hằng ngày phải chứng kiến bao nhiêu chiến hữu của mình đã tuần tự ngã gục trong những “Nhà Ngục Tẫy Não” nhỏ hơn, mà trong ấy có cả Người Thơ tài hoa của chúng ta.

Xin bạn thơ hãy đọc và hãy để cho những chiếc gai nhức nhối của một loài hoa quí hiếm giúp chúng ta ôn lại những trang sử buồn thảm của Việt Nam.

Ý Nga kính mời quí Độc Giả lần dở từng trang để cùng chia xẻ nỗi niềm ray rức và xúc động vô ngần khi ngắm một loài hoa đã sống sót qua một trang sử đau thương của dân tộc chúng ta: HOA XƯƠNG RỒNG.

Ý Nga
Canada, 7.8.2003.

Ghi chú: Lời Giới Thiệu viết cho tập thơ Hoa Xương Rồng ấn hành lần trước với những bài thơ sáng tác trước năm 2000)


No comments:

Post a Comment