Saturday, October 9, 2010

LỜI BẠT


Thi tập Hoa Xương Rồng là một đóng góp lớn cho kho tàng văn chương Việt nam với những vần thơ nồng nàng âm điệu, phong phú ý tình . Đa số những bài thơ đều tôn trọng niêm luật với những mỹ từ bóng bẩy . Nhưng không vì thế mà vần thơ trở nên gò bó . Ngược lại, với một bút thuật tuyệt hảo, tác giả đã tận dụng tất cả những tinh khôi của ngôn từ để trải niềm cảm xúc tàn trề trên những lời thơ . Tác phẩm Hoa Xương Rồng quả là sự kết tụ hoàn mỹ của thi thuật tinh tuyền và nguồn rung cảm sâu xa đưa đến sự tương thông giao cảm giữa thi nhân và độc giả.

Ngoài giá trị văn chương, thi phẩm của tác giả chất chứa một giá trị lịch sử đậm nét nhân tính . Thi nhân đã đưa chúng ta vào một cuôc lữ hành kỳ khôi . Về lại thời kỳ sơ cổ tối tăm với những khai nguyên đất đá ở cuối dòng thế kỹ 20, thời điểm mà toàn thế giới hân hoan đón nhận những tia sáng văn minh . Hư cấu hoang đường hay thực tế đau thương ? Câu hỏi đã là lời tố cáo một chế độ phi nhân.

Trước một ý niệm về quê hương ngày càng phôi pha mờ nhạt bởi ngăn cách thời gian, sông núi, tập thơ Hoa Xương Rồng hiện hữu như một vết xóa nhiệm mầu thu gần khoảng cách . Cám ơn thi nhân đã đưa quá khứ về lại gần chúng tôi . Qua những vần thơ đậm đà, xúc tích, thi sĩ đã làm vỡ tung tất cả ý niệm thời gian, ngày xưa chợt trở nên quá gần gủi, cơ hồ ta có thể nghe được tiếng thở dài áo não của quảng đời đen tối nhất của  dân tộc, “tháng ngày lịch sử ô danh” . Ta có thể nghe bao tiếng khóc bi phẩn, hờn căm cất lên như những lời kết án một chế độ bạo quyền đã biến Việt Nam thành tâm điểm của những tang thương, chết chóc, chia ly . Là nhân chứng khổ đau, tác giả đã khơi lại niềm đau của tất cả người con Việt Nam để chúng ta còn nhớ mãi “những vết hằn trên lưng”. Nhớ có nghĩa là còn ray rứt, khắc khoải, ưu tư, ta sẽ làm gì cho nước non?  Còn nỗi nhớ là còn hy vọng.

Ta hãy lắng nghe những tiếng hờn u uất, những tiếng than ai oán thổi về từ địa ngục . Ta hãy trực diện với cảnh đời bi thảm nhất của những người tù trong vòng gai Cộng Sản ; khi tác giả trả lại cho người bạn tù vừa qua đời ba nắm cơm, một đền bù cho người xấu số:

Miệng khao khát lấy gì cho bữa đói?
Chợt thương anh mòn mỏi kiếp ma gầy.
Ba vắt cơm còn đủ trả anh đây,
Tôi cũng có một ngày khi tôi chết.

Ta hãy ngậm ngùi cảm niệm niềm đau của người mẹ vừa mất con trên sóng nước:

Mưa lại đến khi thân con lạnh giá,
Mẹ cần đâu, dù mưa cả đại dương.
Trên mắt con còn chút nắng quê hương,
Giờ cũng tắt giữa muôn trùng biển trắng.

Ta lại xót xa khóc cùng với người quả phụ đi lấy xương chồng nơi trại tù cải tạo. Ôi lời tình tự thắm thiết, chất chứa bao tê tái bi thương:

Dậy đi anh, ta trở về quê mẹ,
Nơi bình yên, cây cỏ hãy còn xanh…

Về anh nhé ! Bàn tay em mở lối,
Đây đàn con đang đợi thắp hoa đèn.
Bao năm dài, mái tóc hãy còn đen,
Anh vẫn trẻ trong lòng em mãi mãi.

Còn lại đây là tiếng khóc chung cho cả quê hương:

Ngục tù chung cả dương gian,
Xót xa cho lắm cũng ngần ấy thôi .

Mặc dù nội dung chan chứa những niềm đau, thơ không phải chỉ toàn tiếng thở than . Giữa hoang tàn, hào khí của người chiến sĩ sa cơ luôn bốc lên cao.

Máu xương một thuở anh hùng,
Máu ghi chiến sử, xương chồng tháp cao…

Máu nầy, giọt máu tinh anh,
Ấm lòng đất mẹ, đượm tình quê hương…

Một nét đặc thù khác trong thơ của tác giả là sức sống vô biên, niềm hy vọng vô bờ. Từ những điêu tàn đổ nát, từ chốn âm u mù thẳm của cỏi chết với những xương , những máu, những oan hồn đòi xác …Tưởng như đã hết, đã vô vọng . Nhưng kỳ diệu thay, một màu xanh vươn lên từ bãi nắng cháy . Từ những gai góc đá sỏi, những nụ hoa đã hé mở như một thách thức với bão tố. Cùng với những ánh đóm lập loè trong vũng lầy tối tăm, đây là những tín hiệu của sự sống, của hy vọng, của lòng kiên cường bất khuất . Hoa Xương Rồng của phải bám vào sỏi đá nhưng vẫn nở những nụ tươi thắm tô điểm cuộc đời cô quạnh . Có phải chăng trong tận cùng khổ đau, nếu có một trái tim nhân cảm, cái đẹp vẫn ửng lộ ra giữa muôn vàn xấu xí ; tia hy vọng luôn xuyên qua được màn dày u ám của những tai ương . Và đất nước chúng ta sẽ có một ngày mai thôi tăm tối.

Trời hạ đỏ, trên đất cằn cháy nắng,
Loài Xương Rồng cũng rán giữ màu xanh.
Kết đau thương gai góc mọc trên cành,
Hoa vẫn nở, trông đẹp tình đẹp dáng.

Xin cám ơn thi nhân đã gieo rắc một niềm tin cho dải đất cằn khô quê cũ . Ước mong sao “nét son trong nắng tơ vàng” của chúng ta luôn phất phới bay cao trước mọi giông bão.

Montréal, 16/02/2004
Diễm Uyên
Bút nhóm Truyền Thông

(Lời bạt của nhà văn Diễm Uyên viết cho tập thơ Hoa Xương Rồng ấn hành lần trước với những bài thơ sáng tác trước năm 2000).


Thi phẩm “HOA XƯƠNG RỒNG”


Tác giả: TRẦN MINH HẢI

Vĩnh viễn ra đi vào lúc 2 giờ 50 chiều ngày 4 tháng 6 năm 2008 tại bệnh viện Lutheran – Des Moines, IA 50314; hưởng dương 64 tuổi.

(Trong vòng tay thân thương của cộng đồng người Việt Quốc Gia- Dưới sự chứng giám của Thượng Tọa Thích Tâm Hiền chủ trì chùa HỒNG ÂN.  Ngoài chiến hữu và đồng hương không có một thân nhân ruột thịt nào).

Họ và tên:
Sinh ngày 16-05-1944
Tại xã Mỹ Phong, tỉnh Mỹ Tho. Hiện nay là xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo, tỉnh Định Tường.
Nội tổ phụ là Trần Văn Khá sinh trưởng tại tỉnh Châu Đốc.
Nội tổ mẫu là Huỳnh Thị Xuyến và thân phụ là Trần Văn Luân sinh trưởng tại Làng Vĩnh Lợi, tỉnh Gò Công.
Thân mẫu là Võ Thị Tuyên sinh trưởng tại làng Tân Thạch, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa.

Trước 30-04-1975
·         Học sinh trường Tiểu Học Châu Thành Mỹ Tho.
·         Học sinh Trung Học Tư Thục Vĩnh Tường Mỹ Tho (Đệ Nhất Cấp).
·         Học sinh trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho (Đệ Nhị Cấp).
·         Sinh viên Đại Học khoa Học Sài Gòn .
·         Sinh viên sĩ quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam, khóa 1 Biên Tập Viên.
·         Phục vụ ngành Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam.

Sau 30-04-1975
·         *1975-1984: Tù nhân chính trị.
·         *1984-1986: bị quản chế tại thị xã Gò Công .
·         *Ngày 16-08-1986 bị bắt và biệt giam tại cơ quan Công An tỉnh Tiền Giang (Định Tường) vì bị buộc tội tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền Cộng Sản.
·         Sau hơn hai năm điều tra nhưng không tìm được bằng chứng để truy tố nên được trả tự do ngày 05-12-1988.

Ngày 25-01-1994 được tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.  Cư ngụ tại địa chỉ:
926 Oakridge Drive
Building 919, Apartment 64
Des Moines, Iowa 50314
Tình trạng gia đình: độc thân.
Điện thoại số: 1.515.246.0803

HÀNH TRÌNH
Sau ngày 30-04-1975

26-06-1975: xe đưa vào trại tập trung tại quận Hòa Đồng, tỉnh Gò Công sau khi bị quản thúc tại nhà bởi bộ đội có vỏ trang (khoảng một tiểu đội).

24-04-1976: chuyển đến nhà giam Mỹ Tho.  Khoảng đầu tháng 11-1976 bị xiềng hai chân.

09-11-1976: được mở xiềng rồi bị trói hai tay, đưa lên xe chuyển đến trại giam Thủ Đức.

31-11-1976, lúc chiều tối, bị xiềng một tay bằng dây xích chung với một người bạn tù, xe chở ra bến Tân Cảng, xuống tàu Thương Tín cùng với số đông người khác.

01-12-1976 : tàu rời bến và ra cửa biển Cần Giờ.

05-12-1976 : tàu đến cảng Hải Phòng vào buổi sáng, tất cả lên xe (loại xe 40 chỗ ngồi), đoàn xe gồm tám chiếc lên miền Thượng Du Bắc Việt, số xe còn lại không rõ đi đâu.

06-12-1976 : lúc 03.00 giờ sáng đoàn xe đến Lào Kay rồi vào cổng trại giam, đó là trại giam Trung Ương số 1. Đầu tháng Giêng, năm 1977 trại cho kiểm tra sức khỏe tù binh toàn trại, được biết trọng lượng thân thể chỉ còn 38kg (lúc chưa vào trại nặng 58kg) . Từ đây tất cả tù binh phải hành dịch khổ sai.

19-06-1978 di chuyển đến phân trại k1, trại giam Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú.

22-01-1979 : bài thơ đầu tiên đề tựa “Núi Rừng Vĩnh Phú Vào Xuân” cho tập thơ Hoa Xương Rồng được sáng tác.

25-04-1982 chuyển đến phân trại K5, trại Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú.

13-10-1982 chuyển đến trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh.

28-01-1984 được chở ra bến xe đò Kim Liên, Hà Nội, cùng với 10 người khác, vào buổi chiều tối và ngồi chờ sáng tại đây.

29-01-1984 : sáng sớm, được hướng dẫn đi bộ đến nhà ga Hà Nội, lên tàu hỏa, nhận giấy ra trại về Nam.

01-02-1984 tàu hỏa đến ga Bình Triệu, Sài Gòn vào buổi sáng (khoảng 10.00 giờ).  Tạm ngụ tại quận 6 Chợ Lớn.

08-02-1984 : bị quản chế tại thị xã Gò Công, địa chỉ 172A đường Liên Tỉnh 50.

16-08-1986 : bị bắt trở lại, giam tại phòng biệt giam số 10, thuộc cơ quan Công An tỉnh Tiền Giang (trước là Định Tường).

12-11-1986 : được chuyển đến khu cấm thuộc trại giam tỉnh Tiền Giang.

05-12-1988 : ra trại vào buổi xế chiều, tạm ngụ tại Mỹ Tho và Sài Gòn.

25-01-1994 : lúc 3 giờ sáng đến phi trường Tân Sơn Nhất, 2 giờ sau phi cơ cất cánh đi Hong Kong, Tokyo (Nhật), rồi đến Hoa Kỳ.

Hành trình chưa chấm dứt…


LỜI GIỚI THIỆU


Thưa quí độc giả,

Nếu sau biến cố đau thương 30-04-1975, dòng thơ nước Việt có những thi phẩm được viết bởi những người lính Việt Nam Cộng Hòa, với một tấm long cho tổ quốc, cho đồng bào; bằng những lời thơ rất chân tình; bằng một bút pháp rất đặt sắc và đúng niêm luật như nhà thơ đã viết thì Ý Nga tin chắc rằng những thế hệ đi sau chúng ta, không những chỉ được thưởng thức thi tài của những người đã từng đem xương máu ra bảo vệ cho miền Nam Việt Nam không thôi mà họ còn sẽ quí trọng những chiến sĩ, dù bị bắt buộc buông súng và phải chịu trăm ngàn cực hình trong tay kẻ thù nhưng vẫn biết dùng ngòi viết như một vũ khí để tiếp tục chiến đấu cho một Việt Nam tự do.

Từ ngục tù Cộng Sản Việt Nam, với 11 năm, từ Nam ra Bắc (chưa kể khoảng thời gian 2 năm bị quản chế), tác giả, cũng như bao nhiêu chiến hữu đã phải nếm đủ mùi vị của một thứ “trái chua” nhưng Thi Nhân đã biến nó thành những dòng thơ, như trong bài “Thác Ngàn Đổ Xuống”:

“Mười năm nắng vội mưa mau,
“Trái chua chín ngọt, niềm đau tuyệt vời”.

Địa ngục của bao Người Lính Chưa Chết chính là... “Thiên-Đường-Xã-Hội-Chủ-Nghĩa” Việt Nam, là những năm dài bị trả thù bởi một chính sách vô nhan qua bao nhiêu trại giam.  Chúng ta thử nghe nạn nhân cũng là chứng nhân đã ghi lại một số không nhỏ trong những dòng “Thương Cảm”:

“Non sông chín cõi ngục tù,
“Đọa đày mạt kiếp cho thù cho căm”.

Ý Nga được biết có cả thảy 9 trại tù mà người tù đã bị giam giữ trong 11 năm dài ấy, theo thứ tự thời gian như sau:
1.   Trại giam tại quận Hòa Đồng, tỉnh Gò Công .
2.   Trại giam tại thị xã Mỹ Tho
3.   Trại giam Thủ Đức
4.   Trại giam Trung Ương số 1, tỉnh Hoàng Liên Sơn .
5.   Phân trại K1, trại giam Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú .
6.   Phân trại K5, trại giam Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú .
7.   Trại Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh.
8.   Phòng Biệt giam số 10 thuộc Công An tỉnh Tiền Giang (Định Tường).
9.   Trại giam tỉnh Tiền Giang (Định Tường).

Quả thật, bản thân người Cảnh Sát Quốc Gia đã là một nhân chứng ghi lại nỗi khổ đau cùng cực của những người tù binh, trước đó là chiến sĩ đã chiến đấu vì lý tưởng quốc gia . Ghi lại, trong 10 năm trời ròng rã, với cơn đói lã người hàng đêm, trong hoàng cảnh khắc nghiệt của những trại giam, trong nỗi nhớ nhung gia đình, trong niềm băng khoăng dành cho bao nhiêu thân nhân, bạn bè … sống bên ngoài, đang cố tìm mọi cách để thoát khỏi Nhà NgụcLớn Việt Nam và trong niềm đau u uất hằng ngày phải chứng kiến bao nhiêu chiến hữu của mình đã tuần tự ngã gục trong những “Nhà Ngục Tẫy Não” nhỏ hơn, mà trong ấy có cả Người Thơ tài hoa của chúng ta.

Xin bạn thơ hãy đọc và hãy để cho những chiếc gai nhức nhối của một loài hoa quí hiếm giúp chúng ta ôn lại những trang sử buồn thảm của Việt Nam.

Ý Nga kính mời quí Độc Giả lần dở từng trang để cùng chia xẻ nỗi niềm ray rức và xúc động vô ngần khi ngắm một loài hoa đã sống sót qua một trang sử đau thương của dân tộc chúng ta: HOA XƯƠNG RỒNG.

Ý Nga
Canada, 7.8.2003.

Ghi chú: Lời Giới Thiệu viết cho tập thơ Hoa Xương Rồng ấn hành lần trước với những bài thơ sáng tác trước năm 2000)


HOA XƯƠNG RỒNG


Thay lời tựa.

Nghìn dặm cát, môt phương trời hạ đỏ,
Loài Xương Rồng gai góc kết thương đau.
Cây nở hoa, hoa biết gởi về đâu?
Ngày tháng chậm đã ngưng sầu đọng nhớ!

Nâng cánh hoa, ta nhắn về Nam Thổ,
Núi Chứa Chan chan chứa trận mưa cuồng,
Sông Cữu Long sầu chín khúc đoạn trường,
Trời Bảy Núi, Thất Sơn còn hay mất?

Thương cánh hoa, ta ngại về phương Bắc,
Hoa nào tươi trên vũng máu sông Hồng,
Khi con người chất chứa những cuồng ngông,
Xây bạo lưc, dựng muôn trùng hỏa ngục.

Giấu cánh hoa, ta trốn về Tây Vực,
Đất Hoành Sơn vạn đại có dung thân?
Mà mưa nguồn bão núi lại từng cơn,
Trên tuyệt lộ, dãy Trường Sơn cản lối.

Gởi cánh hoa, ta liệu về Đông Hải,
Bão biển gào, sóng dậy, bãi nào yên?
Người ra đi bao xác nổi thay thuyền
Khi gió nước chưa xuôi về bến lạ.

Nghìn dặm cát, một phương trời hạ đỏ,
Loài Xương Rồng, thân kết nụ thương đau.
Cõi mênh mông, hoa biết gởi về đâu,
Đành vươn rễ, bám sâu vào sỏi đá.